VỀ YÊN TỬ, HÀNH HƯƠNG MIỀN ĐẤT PHẬT
12:07 | 06/01/2016
“Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Mỗi dịp đầu xuân năm mới dòng người ở khắp mọi miền của Tổ quốc lại đổ về Yên Tử du xuân, chiêm bái một vùng non thiêng hùng vĩ - nơi tu hành và hiển Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Hơn 700 năm trước sau hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên – Mông, Đức Vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng, từ bỏ cuộc sống chốn cung đình về Yên Tử tu hành. Ngài đã thống nhất các dòng thiền, lập nên thiền phái Trúc Lâm – dòng Thiền mang đậm bản sắc và văn hóa Việt.

Trong “Cư trần lạc đạo phú” Ngài gửi gắm tư tưởng: Mỗi người đều có Phật tính, như trong nhà ai cũng có của báu. “Phật tại tâm” - Nếu ai thấy được tâm tịnh thì lập tức thành Phật. Sống trong cõi đời vui với đạo là hành đạo, thuận theo lẽ đạo, tùy duyên mà hành đạo. Trong tâm khảm của chúng ta, Yên Tử là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là đất Tổ linh thiêng của mỗi người con Phật.

Xuân đến, lòng người lại phơi phới cùng nhau đi trẩy hội, một lòng hành hương về Yên Tử - vùng đất phù vân, tâm linh huyền bí. Ai nấy hân hoan phấn khởi trước cảnh thiên nhiên đất trời giao hòa, tận hưởng bầu không khí trong lành quên hết những âu lo phiền muộn của cuộc sống đời thường, để thả lòng mình phiêu diêu bồng bềnh nơi cửa Phật, tĩnh tại tu tâm, thấy thân thể và tâm hồn nhẹ nhõm, thanh thản. 

Sau khi hương khói thành tâm kính lễ tại chùa Trình, mọi người lại tiếp tục bước vào Trung tâm Yên Tử. Cách chùa Trình 14km, đường đồi núi quanh quanh xanh mát, khoảng 15 phút sau là bạn đã đặt chân đến vùng đất cổ kính với vô số huyền tích.

Đến chân núi Yên Tử vào kính lễ tại suối Giải Oan, Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Hoa Yên, tượng đá An Kì Sinh,… nơi đây còn có Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng trên nền dấu tích của chùa Lân là nơi hướng dẫn tu thiền cho tăng, ni, phật tử thiền phái Trúc Lâm.

Có hai con đường để đi đến chùa Đồng hoặc đi đường bộ, hoặc dử dụng dịch vụ cáp treo. Trước đây, khi chưa có cáp treo, khách thập phương muốn hành hương đến chùa Đồng và chiêm bái những ngôi chùa nhỏ nằm rải rác dọc trên sườn núi phải dành cả ngày leo bộ mới lên đến nơi vì quãng đường xa, khó đi. Từ ngày có cáp treo việc đi lại trở nên dễ dàng, an toàn và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Các cụ già, phụ nữ và cháu nhỏ không cần quá vất vả cũng có thể thỏa lòng ước mong chiêm bái tượng Phật Hoàng và đến được với đỉnh núi cao nhất của Yên Tử. 

Hiện nay, có hai chặng cáp treo: Chặng thứ nhất từ dưới chân Yên Tử đến chùa Hoa Yên. Chặng thứ hai từ chùa Hoa Yên đến gần khu vực bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Cáp treo vào mùa hội mở cửa suốt ngày đêm phục vụ khách muôn phương về Yên Tử.

 

Ảnh: Võ Quang Tường

Ảnh: Võ Quang Tường 

Đến với chùa Hoa Yên – ngôi chùa chính tại Yên Tử, du khách không khỏi ngây ngất say đắm trước khung cảnh và không gian của chùa. Chùa Hoa Yên có vị trí phong thủy đắc địa vô ngần: chùa tựa lưng vào ngọn núi Yên Tử, phía trước nhìn ra khung cảnh hùng vĩ, nên thơ, những ngọn núi đồi nhấp nhô trùng điệp như những cơn sóng hay những mình rồng uốn lượn trong không gian bao la. Khách hành hương được chiêm ngưỡng những hàng cây đại hàng trăm năm tuổi, toàn thân từ gốc cho đến ngọn một màu trắng mốc vững chãi trường tồn như một minh chứng sống cùng lịch sử.

Khi đứng nơi chùa Đồng trên đỉnh cao Yên Tử, ai ai cũng cảm nhận như được tan vào mây khói bồng bềnh, hư ảo cùng núi non đất trời, vạn vật cỏ cây. Lên đến đây, con người được hưởng khí thiêng của đất trời, cảm nhận sự sống khi chạm vào đất này. Cảm nhận tư tưởng sống giản dị, lấy bao dung và chia sẻ làm lẽ sống để đạt đến hạnh phúc vững bền và đời sống an nhiên, thanh thản.

Về Yên Tử, là về với nguồn cội tâm linh tuyệt diệu, một hành trình với bao cảm xúc và thu nhận bao giá trị hướng thượng, một hành trình trở về với bản ngã của mình để nhận diện ý nghĩa cuộc đời của mỗi người, học cách nuôi dưỡng hạnh phúc, yêu thương.